Lược kể một vài hoạt động của hội Duy_Tân_hội

Tổ chức phong trào Đông Du

Bài chính: Phong trào Đông Du

Ngày 20 tháng Giêng năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ (một thành viên cũ của phong trào Cần vương, làm người dẫn đường) xuống tàu thủy tại Hải Phòng, theo đường biển bí mật sang Quảng Đông, Hồng Kông, Thượng Hải rồi đi tới Hoành Tân (Yokohama) thuộc Nhật Bản.

Đến nơi Phan Bội Châu gửi thư xin gặp Lương Khải Siêu, một nhà cách mạng người Trung Quốc.Trong cuộc bút đàm, Lương Khải Siêu khuyên Phan Bội Châu không tìm cách cầu ngoại viện (nhất là không nên đem quân đội Nhật vào nước) để lấy lại độc lập; mà nên chú trọng việc giáo dục và thức tỉnh nhân dân trong nước trước, khi có thời cơ tốt thì ai nấy đều đã sẵn sàng để làm cuộc nổi dậy… Sau đó, Lương Khải Siêu còn giới thiệu Phan Bội Châu với hai nhân vật quan trọng của Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật Bản, là Bá tước Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu) và Thủ tướng Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi) để xin chính phủ Nhật giúp đỡ Việt Nam đánh đuổi Pháp. Nhưng hai người này cho rằng thời điểm đó chưa thích hợp để Nhật có thể giúp đỡ về quân sự, chỉ khuyên Phan Bội Châu đưa Cường Để sang Nhật (để không bị Pháp bắt), viết sách báo để tranh thủ sự đồng tình của dư luận thế giới, đồng thời cổ động thanh niên sang Nhật học tập để chờ đợi thời cơ[8].

Tháng 6 năm Ất Tỵ (1905), Phan Bội Châu và Đặng Tử Kính mang một số sách "Việt Nam vong quốc sử" [9] bí mật về nước.

Sau khi bị Nhật Bản từ chối giúp đỡ binh lực cho hội, Phan Bội Châu đã chuyển hướng từ "cầu viện" sang "cầu học". Nhờ vậy phong trào Đông Du được dấy lên, được đông đảo người dân ở cả ba kỳ tham gia và ủng hộ, nhất là ở Nam Kỳ[10].

Tháng 10 năm 1905, Phan Bội Châu trở lại Nhật Bản cùng với 3 thanh niên, sau đó lại có thêm 5 người nữa. Năm 1906, Cường Để qua Nhật, được bố trí vào học trường Chấn Võ. Kể từ đó cho đến năm 1908, số học sinh sang Nhật Bản du học lên tới khoảng 200 người, sinh hoạt chung trong một tổ chức có quy củ gọi là Việt Nam Cống hiến Hội...

Các hoạt động khác

Ngoài việc tuyển chọn một số thanh niên trẻ, thông minh, hiếu học, chịu được lao khổ, đưa đi du học; Duy Tân hội còn tiến hành những hoạt động sau:

  • Tuyên truyền, vận động các sĩ phu, nhà doanh nghiệp và người dân yêu nước đứng lập ra các hội nông, hội buôn[11], hội học; vừa để tập hợp quần chúng, vừa để có kinh phí cho hội.
  • Chuẩn bị vũ khí tiến tới bạo động. Đây là vấn đề khó nhất. Trong Ngục Trung Thư, Phan Bội Châu đã viết rõ:
Phải chi mình ở vào những thời Đinh, , , Trịnh thuở xưa, thì chỉ vung tay mà kêu lên một tiếng, tức thời sóng dậy sấm vang chỉ là việc thành trong giây lát mà thôi. Nhưng đời nay thì khác hẳn. Từ lúc đời có súng đạn phát minh ra, bao nhiêu khí giới gọi là gươm giáo đao thương đã hóa ra đồ bỏ. Cái thứ để chặt cây làm mác kia, đời xưa người ta vác đi đánh Tần đuổi Sở được, chứ đời nay có dùng nó làm nên trò vè gì! Phải biết vũ khí của người Pháp tinh nhuệ hơn của người mình muôn lần ngàn lần[12]. Con đường tìm kiếm vũ khí bị bế tắc, bàn tính mãi, cuối cùng chỉ còn cách xuất dương cầu viện.
  • Liên kết với các tổ chức kháng chiến khác. Ở đây có hai sự kiện đáng chú ý, đó là:
-Năm 1906, Phan Bội Châu tranh thủ sự đồng tình của Phan Châu Trinh, nhưng không thành công, vì ông Trinh phản đối chủ trương duy trì nền quân chủ, phương pháp bạo động vũ trang và việc mưu cầu ngoại viện. Bởi theo ông, muốn cứu được nước nhà, phải đi theo con đường dân chủ và cải cách xã hội, bằng việc nâng cao dân trí và dân quyền rồi mới có thể mưu tính được việc khác[13] Tuy nhiên, Phan Châu Trinh rất hoan nghênh việc Duy Tân hội đã vận động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu, thơ ca truyên truyền giáo dục quốc dân trong nước[14]. Năm 1906, Phan Châu Trinh về nước và phát động phong trào Duy Tân.-Cũng trong năm này, Phan Bội Châu theo đường Lạng Sơn về nước. Ông có đến gặp Hoàng Hoa Thám ở Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang). Sau hơn mười ngày bàn bạc, thủ lĩnh họ Hoàng đồng ý gia nhập Duy Tân hội, và thuận ứng viện khi Trung Kỳ khởi nghĩa, nhận giúp đỡ và che chở các nghĩa sĩ Trung Kỳ ra Bắc ẩn náu một khi bị quân Pháp lùng bắt.